Đề bài: Cảm nghĩ của em về bài thơ Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh
Bài làm
Cảm nghĩ của em về bài thơ Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh – Hồ Chí Minh không những là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là một chiến sĩ Cách mạng, một nhà thơ lớn. Người đã để lại nhiều bài thơ hay và ý nghĩa. Bác Hồ rất yêu trăng, Người đã bao lần làm thơ vọng nguyệt và Cảnh khuya chính là một trong số đó.
Cảnh khuya được Bác Hồ viết vào đầu cuộc kháng chiến chống Pháp khi Bác đang ở chiến khu Việt Bắc. Mặc dù bận rộn nhiều công việc nhưng khi có những phút nghỉ ngơi trong đêm khuya tại nơi rừng sâu, núi thẳm tình cờ bắt gặp một cảnh đẹp thì Người lại làm thơ. Bài thơ này ra đời chính trong hoàn cảnh như vậy. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt mà ngay ở mở đầu bài thơ đã hiện lên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng Việt Bắc:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Cảm nghĩ của em về bài thơ Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh
Chỉ với hai câu thơ nhưng không chỉ có hình ảnh mà còn được khắc họa bằng cả âm thanh đó là tiếng suối. Tiếng suối từ xa vọng lại nghe trong trẻo, du dương như tiếng hát ở xa, văng vẳng đâu đây. Bác đã so sánh tiếng suối với tiếng hát của con người qua đó cho thấy Bác đã đặt con người làm chủ, và làm cho âm thanh của rừng núi cũng trở nên gần gũi, quen thuộc giống với con người trẻ trung, trong trẻo. Dòng suối dường như có tâm hồn, có tình cảm và đang thể hiện bằng “tiếng hát” để ca ngợi vẻ đẹp của núi rừng vào đêm khuya. Trong thơ ca cũng có rất nhiều bài viết về tiếng suối. Nguyễn Trãi từng viết:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”
(Côn Sơn ca)
Nếu câu thơ đầu là vẻ đẹp của âm thanh thì câu thơ thứ hai lại cho người đọc như được chứng kiến vẻ đẹp về hình ảnh, thi trung hữu họa: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Bằng việc sử dụng điệp từ “lồng” khiến cho câu thơ trở nên gợi tả, đa nghĩa. Chúng ta có thể liên tưởng tới cảnh ánh trăng chiếu vào vòm cổ thụ, xuyên qua các kẽ lá và rọi xuống mặt đất tạo thành những bông hoa bằng ánh sáng. Nhưng cũng có thể hiểu rằng sau khi chiếu qua các kẽ lá thì ánh sáng ấy tiếp tục rọi xuống những bụi hoa rừng. Cũng nhờ từ “lồng” mà ta thấy không gian như chia thành nhiều tầng khác nhau mà bức tranh đêm khuya trở nên lung linh, huyền ảo. Từ những nét chấm phá khiến trước mắt ta như hiện lên khung cảnh thiên nhiên như vừa thực, vừa ảo, vừa sống động lại vừa chan hòa cả âm thanh và ánh sáng.
Bên cạnh việc tả cảnh thì bài thơ Cảnh khuya còn nói lên tâm trạng, tình cảm của nhà thơ. Đối diện với thiên nhiên đẹp như tranh vẽ khiến lòng người ngây ngất và Bác Hồ cũng không ngoại lệ: “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”. Người đã khái quát lại vẻ đẹp chỉ bằng bốn từ “Cảnh khuya như vẽ” qua đó có thể thấy rằng cảnh đẹp đến nỗi khó lòng tả xiết, mà chỉ có thể nhắm mắt đọc và từ từ cảm nhận, tưởng tượng đến nó. Cảnh thì đẹp như tranh vẽ còn người thì sao? Ở đây có sự tương hợp giữa con người và cảnh vật đó là đứng trước một thiên nhiên đẹp như vậy hơn nữa đó còn là người có tình yêu tha thiết đối với thiên nhiên nên Bác Hồ chưa thể ngủ được. Tuy nhiên đâu phải vì mỗi cảnh vật làm người thao thức. Từ “Chưa ngủ” lại được Bác nhắc lại ở ngay câu dưới nhằm nhấn mạnh và lí giải: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Thì ra là vậy, Người thức không chỉ vì cảnh đẹp và để ngắm cảnh như bao thi sĩ khác mà người còn đang gánh trên vai trọng trách của đất nước. Trong lòng Người luôn mang “nỗi lo nước nhà”.
Bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh đem lại cho em nhiều cảm xúc. Qua đó thấy được tình yêu, sự gắn bó với thiên nhiên mà trên hết đó là một tâm hồn của người thi sĩ nhưng mang những nỗi lo lắng cho vận mệnh đất nước, một tấm lòng rộng mở giống như Tố Hữu đã từng viết:
“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm trọn non sông cả kiếp người”.
Mai Du