Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng
Bài làm
Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu – Chiến tranh đã qua đi những nỗi ám ảnh của nó vẫn mãi đeo bám lấy con người cho đến tận bây giờ. Chiến tranh là sự mất mát, hy sinh, là những giọt nước mắt mặn đắng nơi khóe mi. Và trong những hậu quả ấy, ám ảnh tôi nhất vẫn là hình ảnh bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Bé Thu hiện lên trong mắt bạn đọc là một đứa trẻ hồn nhiên, lanh lợi. Một đứa con từ bé đến lớn chưa biết mặt ba. Thu chỉ biết ba qua tấm hình ba chụp chung với má. Chính chiến tranh đã làm chia cắt bao gia đình, chia cách tình cảm cha con thiêng liêng và trong đó, Thu là cô bé phải gánh chịu cảnh lớn lên mà không có cha ở bên cạnh. Cha rời xa gia đình, tham gia chiến tranh từ những ngày Thu còn quá nhỏ. Chưa đầy một tuổi em đã phải xa vòng tay yêu thương, che chở của ba. Thu lớn lên trong vòng tay của mẹ, của bà và em chỉ được gặp ba qua tấm ảnh nhỏ cũ kĩ. Tám năm ròng, em chưa bao giờ được gọi một tiếng Ba. Em mong ngóng ba trở về hơn bất kì người nào khác. Thế nhưng, ngày ba trở về, cũng là ngày mà em cảm thấy cuộc đời này thật nghiệt ngã. Có một người đàn ông đến bên, bồng bế và xưng đó là ba. Tại sao người đàn ông này có thể là ba em được? Ba em hiền lành, ba đẹp hơn cái người đàn ông xấu xí kia. Vết thẹo trên mặt ông ta cứ ửng đỏ trông thật khiếp sợ. Em muốn tránh xa người đàn ông này, muốn gặp ba nhưng sao ông ta vẫn cứ ở cạnh em, ở cạnh mẹ suốt hai ngày ròng.
Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu
Thu không biết tại sao bỗng nhiên lại có một người đàn ông đến bên và đòi em gọi là ba. Thu bướng bỉnh, lì lợm và đôi khi có phần ương ngạnh. Em dùng những lời lẽ trống không khi nói chuyện với “ba”, dùng tay hất bay miếng trứng khi được ba gắp cho, em bỏ nhà sang ngoại chỉ vì không muốn gọi một người xa lạ là ba. Đôi khi người ta cho rằng, tác giả đã xây dựng một cách thái quá trong tính cách của Thu, vì với một cô bé chỉ mới lên tám, em đã có những hành động vô cùng quyết liệt và mạnh mẽ. Thế nhưng điều này càng chứng tỏ tình yêu mà em dành cho người ba mà mình hằng đêm mong ngóng lớn lao biết nhường nào. Thu cương quyết chối từ “ba” vì muốn bảo vệ tình yêu của em dành cho ba. Những hành động không suy nghĩ, tuy có phần mãnh liệt nhưng nó lại đáng yêu và ngây thơ vô cùng.
Sau hai ngày chối từ người đàn ông xa lạ, đến khi ba chuẩn bị lên đường, mọi người ai nấy đều sữnng sờ khi Thu cất lên tiếng gọi “Ba..a…”. Tiếng hét như xé toạc vào không gian nghẹn ngào của phút chia li. Thu ôm ghì cổ ba, không muốn ba đi, muốn ba ở bên em mãi. Những giọt nước mắt lăn dài, mặn chát. Thu cố gắng để giữ ba ở bên nhưng rồi ba cũng phải lên đường. Em hôn tóc ba, hôn trán, hôn cả vết thẹo dài mà trước đó em đã từng khiếp sợ. Thì ra chính vết thẹo đã làm em không nhận ra ba như trong bức hình. Em hối hận vì những lời nói, những hành động đã khiến ba phải đau lòng biết bao. Em ôm chặt ba trong vòng tay bé nhỏ không muốn chia lìa.
Chính chiến tranh đã để lại trên khuôn mặt ba một vết thẹo dài, vết thẹo đã làm Thu trong phút chốc không nhận ra người ba mà em hằng đêm mong ngóng. Em thấy đau nhói nơi lồng ngực về những đớn đau, mất mát mà ba phải chịu. Chiến tranh thật sự quá nghiệt ngã và tàn khốc. Hình ảnh hai cha con ôm nhau trong phút chia li với những giọt nước mắt, những cái ôm, cái hôn muộn màng đã lấy đi biết bao nước mắt của độc giả. Và rồi sau đó, Thu lớn lên với niềm tự hào về một người cha vĩ đại và em nối tiếp cha đi theo cách mạng, trở thành cô giao liên thông minh, dũng cảm.
Bé Thu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” là một minh chứng cho sự hy sinh, mất mát của chiến tranh. Tác phẩm khép lại với biết bao xót xa, đồng cảm nơi bạn đọc. Đó là sự lên án vừa nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng đanh thép của khan giả đối với chiến tranh, và trong đó nạn nhân không ai khác chính là tâm hồn ngây thơ của những đứa trẻ tội nghiệp.
Seen