Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ
Bài làm
Cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương – Trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã xây dựng rất thành công nhân vật Vũ Nương công dung ngôn hạnh nhưng lại phải chịu nỗi oan khuất đớn đau từ chính người mà mình yêu thương nhất. Hình ảnh Vũ Nương như bức tượng đài sáng ngời của người phụ nữ đức hạnh trong xã hội phong kiến đầy rẫy những tối tăm, thối nát.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Dữ, Vũ Nương hiện lên với biết bao phẩm chất tốt đẹp, “người đã thùy mị nết na, lại thêm có tư duy tốt đẹp”. Nàng là đối tượng mà biết bao gia đình khát khao muốn có được. Làng trên, xóm dưới, ai cũng hết lời khen ngợi. Và giữa biết bao chàng trai, nàng chọn Trương Sinh là người mình sẽ gắn bó suốt đời. Đó là một người được đánh giá là hiền lành, chăm chỉ và gia đình thuộc hàng “có của”. Những tưởng cuộc đời sẽ êm đềm, hạnh phúc nhưng mọi chuyện diễn ra với một chữ không ngờ.
Cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương
Về làm dâu, Vũ Nương biết cách cư xử, quần quật ngày đêm chăm chỉ làm lụng, nàng yêu thương và chăm sóc mẹ chồng như chính cha mẹ đẻ của mình. Cả nhà vui vẻ, hòa thuận bên nhau. Trương Sinh tuy hiền lành nhưng rất cục tính, làm gì cũng nông nổi lại có tính hay ghen. Với người vợ xinh đẹp, dịu hiền như Vũ Nương, ghen là một điều dễ hiểu nhưng cái ghen của anh ta lại là ghen thái quá. Chàng cấm đoán vợ giao du với bất kì người đàn ông nào, vợ đi đâu chàng cũng tìm mọi cách để đi theo canh trừng. Nhưng Vũ Nương khéo léo, lại hiểu tính chồng nên nàng luôn giữ được sự êm ấm, bình yên cho gia đình. Rồi nàng mang bầu.
Giữa lúc niềm vui bắt đầu nhen nhóm, cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành nổ ra, Trương Sinh bị bắt đi tòng quân ra chiến trường. Ngày tiễn chồng, Vũ Nương không mong nhung gấm bạc tiền mà chỉ mong chồng trở về trong bình yên, khỏe mạnh. Trương Sinh lên đường, bao gánh nặng lại đè lên đôi vai nàng. Một mình chăm sóc mẹ chồng trong khi bụng mang dạ chửa nàng cũng không oán than một lời. Nàng sinh con một mình, rồi một mình lo liệu tươm tất cho đám tang của mẹ chồng khi bà ra đi vì tuổi cao sức yếu. Tấm lòng nhân hậu của nàng khiến làng xóm ai cũng phải nể phục xen lẫn xót thương.
Ngày tháng cứ trôi qua, nàng lầm lũi một mình nuôi bé Đản khôn lớn. Những đêm hiu quạnh, cô đơn nhớ chồng, nàng chỉ biết nhìn con rồi nuốt nước mắt vào trong. Khi đứa bé lên ba, nó hỏi nàng “Mẹ ơi, bố đâu? Bao giờ bố về?”, nàng chỉ cồn cách ngậm ngùi nói với con “Tối bố sẽ về”. Và cái bóng nàng nơi vách tường bỗng nhiên trở thành cha mà hằng đêm nó mong ngóng. Đứa bé nô đùa cùng cái bóng với những nụ cười giòn tan. Nhìn vậy, nàng cũng ấm lòng và thầm nghĩ “Khi về nhà biết chuyện chắc chồng sẽ mãn nguyện và cười vang lên hả hê sung sướng”. Thế nhưng ai ngờ rằng, chính cái trò đùa ấy đã đẩy nàng đến con đường không lối thoát.
Ngày Trương Sinh trở về, nàng tưởng đâu hạnh phúc sẽ đến với gia đình, cả nhà bên nhau trọn đời nhưng thật trớ trêu, chỉ vì lời nói ngây thơ của con dại mà mọi thứ hoàn toàn sụp đổ. Tính Trương Sinh hay ghen, khi nghe con nói “Ông không phải ba, ba tôi đêm tối mới về”, chàng hung hổ túm tóc, chửi rủa rồi đánh đập và đuổi Vũ Nương ra khỏi nhà. Sau ba năm gánh vác gia đình, chăm sóc mẹ già con nhỏ, chung thủy đợi chồng trở về nhưng cuối cùng Vũ Nương lại nhận lấy một nỗi oan không ai thấu hiểu. Người con gái hiền lành, bao dung bỗng nhiên trở thành loại đàn bà lẳng lơ, vô liêm sỉ. Nàng ra khỏi nhà với nỗi đau và tủi hơn đang cào xé ruột gan. Tại sao người chồng mà nàng yêu thương hết mực lại không tin tưởng nàng? Bao nhiêu cố gắng, bao sự hy sinh vẫn không thắng nổi lời nói ngây thơ của một đứa nhỏ. Chàng không cho nàng một cơ hội để giải thích mà nỡ buông những lời đắng cay, nghiệt ngã. Giữa lúc niềm đau trào dâng, nàng muốn được giải thoát. “Ôi sông ơi, hãy đón ta vào lòng. Hãy giúp ta quên đi cõi đời ngang trái này”. Tiếng kêu thảm thiết của nàng chẳng ai thấu hiểu. Nàng gieo mình xuống sông, mang theo tiết hạnh với chông cùng nỗi oán hận cuộc đời bất công. Và rồi, khi Trương Sinh hiểu ra chuyện, thì mọi thứ đã quá muộn. Chàng chỉ nhận lại được cái xác tím ngắt, lạnh lẽo bên bờ sông.
Câu chuyện của cuộc đời Vũ Nương khép lại với sự xót xa, thương cảm từ người đọc. Hình ảnh của nàng mãi là một tượng đài tráng lệ về phẩm chất của một người con đức hạnh, đáng được ngợi ca.
Seen