Đề bài: Giải thích câu tục ngữ: “Ao sâu tốt cá”.
Bài làm
Kho tàng ca dao, tục ngữ được hình thành dựa trên cơ sở sự quan sát lâu dài tích lũy thành kinh nghiệm và đúc kết thành những bài học ngắn ngọn để truyền đạt cho con cháu đời sau. Bên cạnh những kinh nghiệm về ứng xử, lao động sản xuất thì một bộ phận không nhỏ là về những mối quan hệ, sự tương quan giữa các yếu tố môi trường ảnh hưởng lên con người. Điển hình là câu tục ngữ: “Ao sâu tốt cá”.
Một câu tục ngữ thường có hai lớp nghĩa là nghĩa đen và nghĩa bóng. Trước hết chúng ta nên hiểu câu tục ngữ trên như thế nào? “Ao sâu” đây môi trường để nuôi cá mà “sâu” để chỉ độ sâu tính từ mặt nước đến đáy ao. Mà “ao sâu” có mối quan hệ chặt chẽ đến “cá” đó là “tốt cá”. Tại sao ao sâu thì cá lại tốt? Đó là vì cá là loài động vật đa dạng về loài, mỗi loài có đặc tính khác nhau và sinh sống ở một tầng độ sâu nhất định. Khi ao hồ càng rộng, càng sâu thì nuôi được càng nhiều loại cá, đồng thời với diện tích như vậy thì nguồn thức ăn tự nhiên càng phong phú và cá sẽ ít bị ảnh hưởng từ nhiệt độ môi trường hơn. Tuy nhiên nếu chỉ hàm ý là kinh nghiệm để nuôi cá thì không thể nói tục ngữ là trí tuệ của người xưa được. Ngoài lớp nghĩa đen trên câu tục ngữ còn để chỉ mối quan hệ giữa môi trường tác động lên con người. “Ao sâu” đại diện cho một môi trường tốt, hoàn cảnh thuận lợi khiến con người có thể phát triển tốt, đạt được thành tựu trong cuộc sống.

Từ ý nghĩa của câu tục ngữ chúng ta soi chiếu vào cuộc sống đời thực thì có thể thấy rằng đây là điều đúng đắn. Chúng ta thử so sánh hai đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh hoàn toàn đối lập nhau sẽ thấy rất rõ ràng điều đó. Một đứa sinh ra trong một gia đình khá giả, có tư chất thông minh, gia đình hòa thuận hạnh phúc thì chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn, có nhiều cơ hội thành công. Trái lại một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, bố mẹ thừng hay cãi vã thì chắn hẳn sẽ không có điều kiện để phát triển cả về thể chất lẫn học thức và cơ hội thành công sẽ thấp. Ngay cả khi chúng ta lớn lên, đi làm, khi ít phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình thì vẫn có thứ môi trường khác vây lấy ta và ảnh hưởng đến bản thân. Ví như khi ta là một người năng nổ, hoạt bát, có năng khiếu về những hoạt động tập thể sôi nổi nhưng ta lại làm trong một môi trường gò bó, nhiều luật lệ thì chắc hẳn chúng ta sẽ dễ thấy nhàm chán, không phát huy được năng lực của bản thân.
Như chúng ta đã biết, con người là một cá thể trong một quần thể lớn đó là xã hội. Bên cạnh đó chúng ta còn là cá thể của nhiều quần thể khác gần gũi hơn như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…tất cả đều là những môi trường bao trùm lên chúng ta. Có thể nói không một ai tồn tại mà không chịu tác động của môi trường, kể cả chúng ta có trốn vào rừng, lên đảo hoảng không một bóng người thì chúng ta vẫn phải chịu tác động từ môi trường tự nhiên xung quanh ta. Tuy nhiên khi ta đánh giá về tác động của môi trường thì không phải tất cả mọi người đều chịu tác động của môi trường một cách bị động. Chúng ta là con người, là động vật bậc cao, mặc dù chúng ta không thể lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng khi chúng ta có ý thức, khi có khả năng chúng ta có thể lựa chọn môi trường mà mình muốn sống. Đó chính là việc chủ động trong cách sống. Có những người sinh ra trong nghèo khổ nhưng lại là người có ý chí tiến thủ cố gắng học tập rèn luyện để tương lai có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hay khi chúng ta bước vào tuổi đi làm, khi chúng ta đi phỏng vấn xin việc hay xin nghỉ việc hãy luôn nghĩ rằng mình chọn công việc chứ không phải công việc chọn mình. Mỗi người hãy tìm công việc mà mình thực sự yêu thích, có một môi trường làm việc phù hợp với bản thân có như vậy chúng ta mới có tâm huyết với nghề và phát triển được bản thân.
Câu tục ngữ là bài học sâu sắc về ảnh hưởng của môi trường đối với con người. Môi trường có thể tác động xấu hoặc tốt đến con người nhưng chúng ta cần phải chủ động hơn trong cuộc sống để có thể tự chọn cho mình hưởng phát triển, để giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ môi trường và có thể phát triển bản thân.
Mai Du
Incoming search terms:
- https://sinhviengioi com/giai-thich-cau-tuc-ngu-ao-sau-tot-ca html