Đề bài: Giải thích câu tục ngữ: “Cha nào con nấy”.
Bài làm
Trong kho tàng cao dao tục ngữ, bên cạnh những câu nói về thiên nhiên, lao động sản xuất hay cách ứng xử thì cũng có không ít câu nói về quan hệ giữa những người trong gia đình. Câu “Cha nào con nấy” chính là một ví dụ điển hình.
Mỗi chúng ta từ khi sinh ra và lớn lên đều rất dễ chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Mỗi người sinh sống trong một gia đình, khi có quan hệ huyết thống thì thế nào cũng có những nét giống và tương đồng với thành viên trong gia đình. Nhất là giống với bậc cha mẹ. Người ta nói con thường hay giống bố, mang những gen trội của bố. Sinh ra mang những nét tương đồng về ngoại hình giống cha sau đó trải qua thời gian chung sống thì mang những nét đặc trưng về tính cách, năng lực giống cha. Âu đó cũng là một điều dễ hiểu. Ông cha ta còn khẳng định “Giỏ nhà ai khoai nhà nấy” để nói lên sự giống nhau đó.

Có thể nói, trong gia đình thì người cha không chỉ là trụ cột mà cò trở thành “thần tượng”của con cái, là tấm gương để các con noi theo. Chính vì thế những hành động cử chỉ của người cha rất dễ gây ấn tượng sâu sắc và khiến các con học theo. Nhất là khi những đứa con còn nhỏ, khi đang học mẫu giáo hoặc tiểu học thì đây là thời kì mà trẻ thường quan sát để bắt chước. Vậy nên nếu người cha là người yêu thương con cái, chăm sóc cho gia đình thì trẻ sẽ hình thành tư tưởng tốt. Hay nếu có một người cha thường ngày thô lỗ, cộc cằn, hay uống rượu, chửi bậy thì vô hình chung đã cho trẻ nhận thức cái khái niệm xấu trong đầu con trẻ. Có thể nói hiếm có một người cha nào với bản tính cục cằn mà dạy nên được một đứa con thùy mị, lễ phép. Gần gũi hơn có thể thấy khi cha hoặc mẹ dạy con tập nói, nếu cha mẹ trả lời “dạ” thì khi chúng ta gọi trẻ cũng sẽ trả lời “dạ”. Qua đó hình thành trong đầu trẻ cách ăn nói, thưa gửi, gọi dạ bảo vâng. Đây là phương pháp giáo dục ngay từ khi trẻ còn nhỏ để hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho con trẻ.
Ngược lại cũng có nhiều người dùng câu nói này để chế nhạo, bôi nhọ danh dự của người khác. Họ cho rằng nếu một người có người cha làm việc xấu, phạm tội gì đó thì ắt con của người đó cũng chẳng tử tế gì. Thực tế không phải ai cũng bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, từ những người thân quen của mình. Có những người con nhận thức được hành vi sai trái của cha mình, và không muốn bản thân lại đi vào vết xe đổ đó nhưng định kiến “Cha nào con nấy” của xã hội với những lời chỉ trích của người xung quanh khiến những đứa con trở nên mặc cảm, xấu hổ, thậm chí sa ngã vô tội. Hay cũng có nhiều người sử dụng câu tục ngữ này để giễu nhại đối với những người con mang tính phiếm chỉ rằng nếu cha làm quan to, thì con cũng theo gót được làm quan. Mặc dù hiện thực cuộc sống cũng có không ít những trường hợp như vậy nhưng không phải ai cũng thế. Vẫn có những người con mặc dù có gia đình giàu có, quyền thế nhưng vẫn đi lên bằng năng lực bản thân mà không hề có ý ỷ lại. Qua những điều này mỗi người cần có cách nhìn khách quan, tích cực hơn, không nên quy chụp điều xấu cho ai đó. Có như vậy cuộc sống mới tốt đẹp hơn, chúng ta cũng sẽ không bị cuốn hút bởi sự a dua trong xã hội, tránh thói ganh ghét, không ăn được đạp đổ.
Câu tục ngữ “Cha nào con nấy” để nói lên mối tương quan, sự tương đồng giữa cha với con, giữa những người có quan hệ huyết thống với nhau. Mỗi chúng ta sau này đều sẽ trở thành những bậc cha mẹ, vì thế chúng ta cần làm gương cho con cái học tập và noi theo để sau này khi mọi người xung quanh nói đến “Cha nào con nấy” với bản thân và con mình là mang theo ý khen chứ không phải là sự giễu nhại, chê cười.
Mai Du