Đề bài: Giải thích câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”.
Bài làm
Giáo dục là vấn đề được coi trong hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ xa xưa đến nay vai trò của người thầy trong sự nghiệp giáo dục luôn được đề cao bởi lẽ thầy cô là người dẫn dắt, truyền đạt cho ta biết bao tri thức của nhân loại, dạy ta làm người tốt việc tốt để trở thành người có ích cho xã hội. Vì thế dân gian ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên”.
Câu tục ngữ này mang ý nghĩa là nếu mỗi chúng ta không có thầy, không có người dạy dỗ ta thì ta sẽ không làm được việc gì hết. Qua đó nói lên truyền thống tôn sư trọng đạo, lòng biết ơn với những người thầy đã dạy dỗ mình. Mỗi người ai cũng có thời gian cắp sách tới trường, được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô. Đặc biệt trong thời xưa khi mà xuyên suốt quãng thời gian học tập thì người học trò gần như chỉ tiếp xúc và chịu sự dạy dỗ của một người thầy. Khi ấy người thầy là người gần gũi với học trò nhất và sự thành bại của người học trò phụ tuộc rất lớn vào người thầy. Thời ấy cũng là lúc vai trò của người thầy được đặt cao nhất:
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Ngày nay mỗi chúng ta ngay từ khi còn học các lớp nhỏ đều tiếp xúc với rất nhiều thầy cô trong mỗi năm học. Mặc dù không còn quan hệ gần gũi như trước bởi có thầy cô trong cả năm học ta được gặp và học rất ít nhưng không vì thế mà vị thế, vai trò của người thầy trở nên ít đi. Thầy cô là người nâng bước chân ta từ khi ta chập chững tới trường. Là người cằm tay ta nắn nót tô từng nét chữ, dạy cho ta những điều mà trước đó ta mắt thấy tai nghe nhưng không hiểu được. Càng lên cao thì những kiến thức, kỹ năng mà thầy cô dạy ta càng nhiều, càng sâu rộng hơn. Ngoài những bài học trong sách vở, thầy còn dạy ta những kiến thức từ thực tế và cả đạo lý làm người. Từ đó mỗi chúng ta không chỉ trở thành trò giỏi mà còn trở thành đứa con ngoan, một người có ích cho gia đình, xã hội. Có rất nhiều cô cậu học trò bướng bỉnh nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô khiến họ đổi tính nết trở nên ngoan ngoãn hơn, tìm được mục tiêu, lý tưởng trong cuộc sống. Nhiều thế hệ học sinh sau khi ra trường, sau khi thành đạt, có gia đình, sự nghiệp riêng nhưng họ vẫn nhớ về người thầy đã từng dạy dỗ. Hằng năm vào những ngày lễ, tết họ vẫn thường thu xếp công việc để trở về thăm trường, thăm thầy cô cũ đã từng dạy dỗ mình. Đây là một điều đáng quý, qua đó họ không chỉ tự hào về chính bản thân mình khi đã trở thành người có ích cho xã hội, không phụ lòng thầy cô và gia đình mà còn thực hiện và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Tuy nhiên bên cạnh những người biết quý trọng, biết ơn thầy cô thì ngày nay cũng không ít những học sinh không làm được điều đó. Với những bạn như vậy họ luôn coi mỗi ngày đến trường là một ngày để chơi, để quậy phá, nó là cực hình và học không phải cho bản thân mà học cho người khác. Không những không lễ phép với thầy cô mà còn không coi trọng người thầy, ngỗ nghịch, không coi ai ra gì. Những người như vậy chắc chắn sẽ không tiếp thu được gì trong quá trình học tập, trở thành kẻ không có nhân cách đạo đức tốt đẹp, không làm được việc gì và không được mọi người yêu quý. Như Bác Hồ từng nói: “Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
“Không thầy đố mày làm nên” là một bài học sâu sắc về vai trò của người thầy, về truyền thống tôn sư trọng đạo. Mỗi người khi còn là học sinh cần phải có thái độ học tập đúng đắn, tôn trọng, biết ơn thầy cô giáo để trở thành con ngoan, trò giỏi, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.
Mai Du