Đề bài: Giải thích và chứng minh câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”
Bài làm
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” để nói về những ảnh hưởng của môi trường, hoàn cảnh xung quanh lên quá trình học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân của con người. Vậy câu tục ngữ này đem đến cho chúng ta bài học gì? Chúng ta hãy cùng đi vào tìm hiểu và phân tích.
Mỗi người chúng ta sinh ra và lớn lên trong những điều kiện hoàn cảnh, môi trường trường khác nhau. Có câu “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” chính vì lẽ đó. “Gần mực thì đen” chúng ta có thể hiểu “mực” là hoàn cảnh sống tối tăm, nhiều những điều xấu xa tồn tại. “Đen” ý chỉ sự lây nhiễm những cái xấu của môi trường xung quanh. Ngược lại “Gần đèn thì sáng” mà “đèn” là vật phát sáng, tượng trưng cho cái đẹp, cái tiến bộ. Khi “gần đèn” thì chúng ta sẽ học được những điều tốt đẹp, được phát triển và hoàn thiện bản thân.

Thật vậy, trong cuộc sống chúng ta bắt gặp rất nhiều những minh chứng cho việc ảnh hưởng của môi trường sống đến mỗi người. Gia đình là nền tảng của xã hội, một xã hội đang ngày một văn minh nhưng không có nghĩa là ai cũng sống trong gia đình êm ấm, hạnh phúc. Có rất nhiều cặp vợ chồng hôn nhân không hạnh phúc. Tình trạng ngoại tình, ly hôn ngày càng trở nên phổ biến… Vậy những đứa trẻ trong những gia đình đó sẽ như thế nào? Việc bố mẹ suốt ngày đánh, chửi nhau có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Ba mẹ không hạnh phúc đồng thời với việc thiếu quan tâm đến con cái. Khi ấy con sẽ rất dễ dàng bỏ bê việc học hành, theo chân những bạn xấu và rất dễ sa vào những tệ nạn xã hội. Hay đơn giản là khi chúng ta đi học, chúng ta chơi với những bạn ngỗ nghịch, ham chơi thì ta cũng sẽ bị cuốn theo và không chú tâm học hành. Có những bạn đang chăm ngoan, học giỏi hưng vì chuyển trường và giao du với những bạn xấu nên kết quả học tập đi xuống và dễ bị cuốn hút bởi những điều xấu.
Bên cạnh những ảnh hưởng từ môi trường xấu thì ngược lại khi chúng ta sống trong điều kiện, hoàn cảnh tốt thì chúng ta sẽ có những ảnh hưởng tích cực từ môi trường đó. Trong một gia đình hòa thuận, có truyền thống hiếu học, nhân nghĩa, được bố mẹ quan tâm thì chắc hẳn chúng ta sẽ có xuất phát điểm là một đứa con ngoan ngoãn, hiếu học. Khi ở trường lớp chúng ta cần phải biết “chọn bạn mà chơi”. Khi chúng ta kết bạn với những bạn ngoan ngoãn, học tập tốt, có nhiều đức tính tốt thì đồng thời ta cũng sẽ chịu những ảnh hưởng từ người bạn đó. Khi xung quanh ta bắt gặp những việc làm tốt, bắt gặp những điều hay lẽ phải, đó sẽ trở thành những bài học cho chúng ta noi theo.
Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng từ môi trường sống. Dân gian ta còn có câu: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” chính là để nói lên những người có tính tự chủ cao, không để hoàn cảnh và những điều xấu xung quanh chi phối hoạt động và ảnh hưởng đến tính cách con người. Ví dụ như có những em bé ở những khu ổ chuột, lang thang phiêu bạt đi làm những việc như bán hàng rong, đánh giày…. Mặc dù sống trong hoàn cản khó khăn nhưng không đánh mất tự trọng của bản thân, vẫn luôn làm lụng chính đáng để kiếm sống qua ngày. Hay có những người con dù sống trong gia đình không hạnh phúc, dù có bị bạo hành, đánh đập thì vẫn có sự quyết tâm học tập, rèn luyện mà không bị sa ngã. Tuy nhiên đó chỉ là số ít, phần nhiều sống trong những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh con người ta dễ bị chi phối và có những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.
Mỗi chúng ta đã và đang ngồi trên ghế nhà trường cần học tập chăm ngoan, “chọn bạn mà chơi” và cần phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Bên cạnh đó phải luôn giữ vững lập trường, biết nhận biết, phân biệt cái hay, cái dở để có cách cư xử đúng mực, tránh bị lôi kéo sai đường. Có như vậy mỗi chúng ta mới hoàn thiền bản thân và trở thành người có ích trong xã hội.
Mai Du